May

08

 

Người bạn chiếu chăn của nhà văn Vũ Bằng

Đăng lúc : Oct 22, 2014

Mở đầu cuốn Thương Nhớ Mười Hai, nhà văn Vũ Bằng có viết: “Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào người bạn chiếu chăn Nguyễn Thị Quỳ. Thành mến tặng quỳ cuốn sách này để thay mấy lời ai điếu”.
Có lẽ Vũ Bằng là một trong số ít những người đàn ông coi vợ như người tình trong suốt cả cuộc đời mình. Bà Nguyễn Thị Quỳ - người vợ đầu tiên của nhà văn Vũ Bằng là con gái Thuận Thành, Bắc Ninh hơn ông 7 tuổi, từng qua một lần đò và có một người con riêng, Vũ Bằng cũng là văn sĩ Hà Thành nổi tiếng ăn chơi nghiện ngập.  Hai người đến với nhau khi bị cả hai bên họ hàng phản đối. Sau này, trong sáng tác của ông không ít lần kể lại những kỉ niệm bên cạnh người vợ bé nhỏ. Những dòng tùy bút hồi cố lại những giai đoạn hạnh phúc cũng như khổ đau của cuộc đời ông vẫn luôn trăn trở một điều: “Em yêu ơi! Sống là tin tưởng và chờ đợi những biết mái tóc người ta còn xanh mãi để đợi được hay không”. Ông không quên gọi vợ mình là “người vợ bé nhỏ” một cách đầy trân trọng, âu yếm và yêu thương trong nhiều trang viết. Biết bao nhiêu kỉ niệm khuấy lên trong thẳm sâu của nỗi nhớ vô thức. Ở với nhau cho đến nửa đời người rồi mỗi ngươi một giới tuyến trong Nam ngoài Bắc. Vũ Bằng vào Nam nhận nhiệm vụ tình báo ông vẫn không nguôi thương nhớ người vợ tao khang, những kỉ niệm tình yêu còn tươi nguyên. Đó là những khi hai vợ chồng cùng đi xem hát trống quân, những khi hai vợ chồng cùng đi ném còn, cùng nhau đi lễ Hội Chùa Hương, cùng đi dạo trên những con đường rợp bóng cây trên đường tòa án…Biết bao nhiêu những kỉ niệm xếp lên nhau trong niềm thương nỗi nhớ. Với Vũ Bằng, người vợ còn là cô nhân tình bé nhỏ. Ở họ dường như không có sự gò bó của lễ nghi, quan niệm xưa cũ. Một thứ tình yêu tươi trẻ, mãi xanh trong lòng người đi mà thời gian tưởng như không thể hong khô những lãng mạn thuở ban đầu. Đối với Vũ Bằng, người vợ dẫu 1 năm , 10 năm hay nhiều hơn thế nữa mãi vẫn là người tình nhân khiến ông nhiều lần thốt lên rằng “Yêu sao yêu quá thế này! Nhớ sao nhớ quá thế này”. Dù vô tình hay hữu ý người vợ đã xuất hiện như một nhân vật trữ tình không thể thiếu trong mỗi trang văn gấm hoa rung động lòng người nhất. Yêu thương không còn là thơ có vần, có nhịp nhưng nó khiến cho những áng văn xuôi lại hóa thơ cả rồi vì những cảm xúc lãng mạn, nguyên khôi đầy trân trọng. Người vợ trở nên đẹp một cách lạ kì qua lăng kính tình yêu và điệp trùng nhung nhớ:
“Dừng lại nhìn vào mắt vợ thì trong mắt vợ cũng thấy có trăng, có trăng ở cả toàn thân, mặc quần áo mà như khỏa thân, chạm vào thì vỡ”
“Đêm ấy, người vợ nằm giải suối tóc xanh trên giường nệm trắng, cảm thấy cái hươn gió ngày xưa ở đâu lại trở về vuốt ve da thịt mình.
Anh ơi, mở cửa sổ cho trăng chiếu thật nhiều vào giường đôi lứa chúng mình và anh để tay thế này, anh nhé, vì em thích nghe tiếng đồng hồ đeo tay của anh kêu tí tách bên tai như những trái tim bé nhỏ. Và người chồng tự nhiên lại thấy trong da tóc của người bạn chiếu chăn cái mùi sen ngát của một buổi xa xưa trên bãi cỏ ở ven bờ Hồ Bảy Mẫu”
Những lời đối thoại không thể tình hơn mà Vũ Bằng giành cho vợ, nhớ về vợ không khác gì cái thuở ban đầu lưu luyến ấy.




Vũ Bằng là người đàn ông đa tình và không bao giờ ông giấu giếm điều đó, mà giấu giếm sao cho được khi thể loại mà ông viết chủ yếu lại là tùy bút, tản văn. Ông từng có hồi ký Cai viết về thời kì ngã vào vòng tay nàng tiên nâu, rồi trong từng trang văn của ông luôn thấp thoáng bóng hình người con gái đẹp. Khi thì là cô sơn nữ trong vườn đào, lúc là người con gái vùng cao tắm tiên đầy hồn nhiên, khi lại là những bóng ao màu trăm hồng ngàn tía trên cầu Thê Húc nhưng ngày lễ tết, hoặc lại là cái yếm lưng xanh trong những ngày hội quê,…Đếm sao cho nổi những bóng hồng xinh đẹp đã làm tươi thêm cho trang văn của Vũ Bằng. Những bóng hồng có thể chỉ lướt qua một lần còn người vợ luôn là nỗi khắc khoải trong từng trang viết về đất Bắc. Người vợ không chỉ là vợ, là người tình nhân mà còn là người tri kỉ của ông trong thưởng thức nghệ thuật cũng như cuộc sống. Vũ Bằng nổi tiếng là nguyên mẫu trong truyện ngắn Đôi mắt của nhà văn Nam Cao, và câu chuyện có thật là hình ảnh hai vợ chồng Vũ Bằng cùng ngồi trong đọc Tam quốc diễn nghĩa. Người vợ cũng là một kho tri thức văn hóa luôn đem lại cho chồng những câu chuyện đầy thi thú: Khi là chuyện nhể bọng con rận rồng, lúc lại là chuyện con chim ngói vào tháng 9, hoặc có khi vợ chồng nửa đêm thức giấc đi uống lý rượu ấm ở cao lâu...Đó là khi người vợ hỏi chồng : anh đã biết hát trống quân chưa? Người chồng cũng vì những thú vui của vợ mà mê trống quân không kì quản. Nếu như phụ nữ trong truyền thống luôn được ngợi ca với các phẩm chất công - dung - ngôn - hạnh thì những hiểu biết cuộc sống lại không được liệt vào những phẩm chất cần thiết và hấp dẫn nhất. Sống bên cạnh một văn nhân gốc Nho học lại được đào tạo trong môi trường Tây học từ nhỏ nhưng điều hấp dẫn nhất ở người vợ ấy chính là gốc văn hóa truyền thống, không chỉ là đạo lý mà còn là những hiểu biết từ văn học dân gian cho tới âm nhạc, nghệ thuật. Người đàn ông dẫu đa tình đến đâu cũng luôn cảm thấy vợ mình tươi mới bởi sự lãng mạn, sự giàu có về tri thức cuộc sống và mình được khám phá và bồi đắp thêm tình yêu đối với nghệ thuật và văn hóa truyền thống. Đặc biệt, những tri thức ấy được lồng ghép khéo léo qua những câu chuyện hàng ngày, khi hai người đầu gối tay ấp tâm sự với nhau về cuộc sống đời thường, về từng những câu hát ví, hát xoan, chuyện sự tích đêm thất tịch, tháng mưa ngâu,...

Khi viết chân dung Vũ Bằng, Tô Hoài đùa rằng vì Vũ Bằng là người thích ăn ngon nên đã lấy bà Quỳ. Sự thật đó có phải lí do không thì không ai dám khẳng định nhưng Vũ Bằng đã không ít lần nhắc đến tài nấu ăn của vợ và yêu sao khi người chồng hiểu được tấm lòng của vợ mình: “thương nhất người vợ bé nhỏ yêu chồng, mùa nào thức nấy, không bao giờ phải đợi cho chồng phải nói lên sự ước mơ”. Có khi là giò sống nấu rau cải, ca rô đầm sét, cá anh vũ Việt Trì, gạo mới – chim ngói,…Niềm thương, nỗi nhớ của cánh đàn ông "giản đơn và tuc tằn". Người vợ yêu chồng luôn coi việc chiều cái ông thần khẩu của chồng là niềm vui. Đó cũng là nguồn cơn cho những tác phẩm hay nhất về ẩm thực Bắc Việt ra đời trong đó có Miếng Ngon Hà Nội và Thương Nhớ Mười Hai. Đằng sau thành công của mỗi tác phẩm, tài nghệ văn chương chỉ là phương tiện, tình yêu đối với người vợ tao khang mới là nội dung cốt lõi. Và món ngon không chỉ bởi người nấu mà cũng bởi tấm lòng của người chồng giành cho vợ: “Ôi chao, cần gì là trà mộc, cần gì phải nước giếng thanh tân, cứ cầm cái chén quan đưa lên môi và nghĩ rằng hoa thủy tiên là do vợ mình gọt, trà thủy tiên này cho vợ mình ướp, ấm trà này do vợ mình pha cũng đã thấy ngào ngạt hương tình trong khắp cả cái đêm xuân tĩnh mịch này rồi.” 
Đọc Vũ Bằng không chỉ để biết về một vùng văn hóa Bắc Việt mà còn là thưởng thức một thứ tình yêu nhung tuyết, son trẻ mà ông dành cho vợ. Mỗi tác phẩm văn học không chỉ được soi chiếu dưới góc nhìn nghệ thuật mà dưới góc nhìn đời sống nó đôi khi trở thành một cuốn cẩm nang tình yêu khiến con người ta tin tưởng rằng có sự say đắm dai dẳng cho tới khi người ta nhắm mắt lìa đời. Cũng bởi vậy, bao nhiêu năm sau khi ra đời và tái bản nhiều lần, những trang văn của Vũ Bằng về Bắc Việt, về người bạn chiếu chăn vẫn tán tỉnh độc giả như thường.
Hương Huyền
(Vui lòng trích rõ nguồn MUSICSHOW.VN khi sử dụng bài viết này ) 


 

Xem thêm : Vũ Bằng,


Liveshow Dạ khúc cho tình nhân 2
Rooftop
Hair Of Dog
Minishow Tuấn Hưng
Đêm nhạc Phó Đức Phương
Lich swing thang 10
Fuse Bar Time To Way
IBars Combo
THứ 5 hàng tuần tại IBar
The Rooftop thứ 2 hàng tuần