April

26

 

Tác phẩm âm nhạc cần đáp ứng nhu cầu đại chúng

Đăng lúc : May 1, 2014
 Sau một quãng thời gian dài chuẩn bị, lấy ý kiến từ phía chuyên môn và phóng viên, giải Âm nhạc Công hiến đã tìm được những chủ nhân xứng đáng có những đóng góp đáng ghi nhận cho âm nhạc đại chúng nước nhà. Đa số những người yêu nhạc và giới chuyên môn cảm thấy hài lòng nhưng cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng kết quả chưa thật thuyết phục. Phóng viên Muiscshow có cuộc trò chuyện với nhà lý luận âm nhạc NguyễnQuang Long về đời sống âm nhạc và những vấn đề “hậu” Âm nhạc Cống hiến 2014.
                                          Khởi động Âm nhạc cống hiến                         
                                          Nhìn lại sai giải Âm nhạc Cống hiến 2014
                                           Kết quả lễ trao giải Âm nhac cống hiến 2014
                                           Âm nhạc cống hiến 2014
 
Phóng viên (PV): Là một nhà lí luận, phê bình âm nhạc, anh có thể đưa ra ý kiến về kết quả giải Cống hiến năm 2014?
Nguyễn Quang Long: Giải thưởng năm nay đã được trao đúng chủ nhân. Thực ra theo tôi việc tìm chủ nhân xứng đáng cho mùa giải năm nay không khó, bởi lẽ năm vừa qua là năm bội thu của âm nhạc. Nhiều hoạt động đáng được ghi nhận đã diễn ra. Đặc biệt, cần phải ghi nhận việc Ban tổ chức đã quan tâm đến âm nhạc dân gian khi 2 album “Yếm đào xuống phố” và “Song hành” được xướng tên trong danh sách đề cử album của năm.
PV: Tuy nhiên vẫn có nhiều băn khoăn về kết quả ở hạng mục bài hát yêu thích được trao cho ca khúc “Tình yêu màu nắng” do ca sĩ Đoàn Thúy Trang trình bày. Chẳng hạn, nhiều ý kiến cho rằng, so với 3 ca khúc còn lại trong bảng đề cử dường như “tình yêu màu nắng” có phần mờ nhạt hơn, theo xu hướng thị trường, dễ nghe, nhanh chán, không có tính nghệ thuật cao như 3 ca khúc còn lại.
 
Nguyễn Quang Long: Sự phân chia giữa nghệ thuật và thị trường theo cá nhân tôi sẽ càng làm cho những bài hát "liệt” vào dạng nghệ thuật ngày càng xa với đại bộ phận công chúng và thị trường ngày càng bị nhìn với ánh mắt miệt thị. Hãy nhìn vào phận sự của mỗi ca khúc, nó sinh ra để mang lại một điều gì đó tới cho người nghe, đáp ứng như cầu thưởng thức của người nghe. Tất nhiên, không thiếu những ca khúc thị trường có ca từ nhảm nhí nhưng những ca khúc đó không nằm trong khu vực hướng tới của giải thưởng này. Riêng với hạng mục này, tôi cũng chưa nghe nhiều ca khúc chiến thắng nên tôi xin miễn bình luận. Bởi lẽ, để nói là xứng đáng hay không thì phải nắm được ca khúc đó trong thời gian dài kể từ khi ra mắt và sự đón nhận của công chúng như thế nào.  
PV: Anh suy nghĩ gì về những cú đúp giải thưởng của Đỗ Bảo và Tùng Dương. Bản thân anh đánh giá như thế nào về sản phẩm âm nhạc của 2 nghệ sĩ này?
Việc hai nghệ sĩ này giành cú đúp giải là điều dễ hiểu. Tùng Dương là một tài năng thực sự, là “của quý” của âm nhạc Việt Nam hiện tại. Nam ca sĩ này không khỏi nỗ lực khám phá khả năng bằng những sự thể nghiệm âm nhạc theo cách của riêng mình vì thế anh xứng đáng được công chúng ghi nhận. Yếu tố công chúng vô cùng quan trọng đối với giải thưởng này vì nó tập trung vào đời sống âm nhạc đại chúng.
Về Đỗ Bảo, theo tôi xứng đáng là nhân vật số 1 của âm nhạc năm vừa qua, thậm chí không chỉ ở khuôn khổ của giải thưởng mà còn trong phạm vi của toàn bộ đời sống nhạc Việt. Tôi có ba lí do để khẳng định điều này.
Thứ nhất, Đỗ Bảo là một nhạc sĩ trẻ đã tìm ra và định hình một phong cách âm nhạc riêng biệt, phong cách đó đã chinh phục được công chúng. Đỗ Bảo không phải “tuyp” sáng tác những gì công chúng muốn nghe mà đã đủ tài năng để có thể hướng công chúng "phải nghe" những gì mình viết ra.
Thứ hai, album Cánh cung 3 được phát hành bán rất chạy. Điều này nhiều nghệ sĩ không dám mơ tới kể cả những ca sĩ hot hiện nay bởi thị trường băng đĩa của ta gần như đã bị bóp nghẹt bởi băng đĩa lậu và tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan trên mạng. Xin nhấn mạnh, Cánh Cung 3 không phải là đĩa của ca sĩ mà là đĩa của một nhạc sĩ.
Thứ ba, vẫn với tư cách một nhạc sĩ, Đỗ Bảo đã làm một chương trình riêng. Một nhạc sĩ trẻ làm chương trình riêng, bán vé; bán hết vé và có lãi là điều chưa một nhạc sĩ trẻ nào làm được cho tới thời điểm này.
Đỗ Bảo hoàn toàn có thể đại diện cho một thế hệ nhạc sĩ hiện đại, tự tạo cho mình phong cách riêng, hướng khán giả tới phong cách đó, bán được những sản phẩm ở dạng album và chương trình, tức là có thể kiếm được tiền và đồng nghĩa với việc có thể hoàn toàn chủ động trong những dự án âm nhạc của mình mà không cần tới sự tài trợ hay lệ thuộc vào tiền bạc của một tổ chức hay cá nhân nào khác.

(Ảnh: Nhà phê bình Nguyễn Quang Long cùng nghệ sĩ và các nhà báo tại đêm trao giải)
PV: Có phải ý anh là Đỗ Bảo đã tạo nên một thị hiếu thẩm mỹ mới?
Nguyễn Quang Long: Điều này chưa hoàn toàn đúng. Thẩm mỹ mà Đỗ Bảo đưa tới cho khán giả vẫn là cái đẹp muôn thuở của âm nhạc, hướng con người ta tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống nhưng nó được trình bày theo ngôn ngữ âm nhạc từ giai điệu đến ca từ và thông điệp truyền tải trong ca khúc... là theo cách của Đỗ Bảo. Tôi cho rằng Đỗ Bảo đã chạm đến chân lí giản dị của nghệ thuật.
PV: Bên cạnh những nhân vật đã quen mặt như Tùng Dương, Đỗ Bảo, anh nghĩ gì về những nhân tố mới trong mùa giải Cống hiến năm nay?
Nguyễn Quang Long: Tôi cho rằng, sự ghi nhận với Cát Tường - nghệ sĩ mới của năm hay Rockstom - Chuỗi chương trình của năm đủ sức thuyết phục. Giọng hát Cát Tường chưa thực sự xuất sắc nhưng lại thể hiện một cá tính và bản lĩnh âm nhạc, nghệ sĩ này nếu đi đúng hướng hoàn toàn có thể gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp và làm được một điều gì đó.
Rockstom là một nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của rock trong giới trẻ cả nước những năm qua. Chương trình tạo một sân chơi, sự sáng tạo cho cộng đồng rock vốn đang rất thiếu sân chơi và còn chịu thiệt thòi vì chưa được nhìn nhận đúng giá trị và vai trò của nó.
PV: Theo anh, giải Cống hiến được tổ chức thường niên có vai trò gì với sự phát triển của âm nhạc Việt Nam?
 
Nguyễn Quang Long: Cống hiến là một sự ghi nhận về hoạt động âm nhạc của một bộ phận tri thức trong lĩnh vực truyền thông. Điều này rất quan trọng. Vì bộ phận này góp phần định hướng công chúng trong chính những bài viết của mình. Tuy nhiên nó cũng chỉ là một trong số thôi, các nghệ sĩ nên coi đó là một nguồn động lực hay là một đánh giá mà mình cần phải nhìn nhận để tiếp tục có những định hướng tốt cho hoạt động của mình. Có nghĩa là tốt nhưng không phải là tất cả.
PV: Anh có góp ý gì để giải cống hiến ngày càng hoàn thiện không?
Nguyễn Quang Long: Tôi hy vọng giải thưởng bao quát rộng hơn đời sống âm nhạc. Dẫu vậy, cơ cấu hạng mục giải như thế là hợp lý, giải âm nhạc Cống hiến đã đưa ra thêm những hạng mục mới qua từng năm để có thể vinh danh những đại diện xứng đáng với từ cống hiến. Cũng có một đôi ý kiến nên có thêm hạng mục riêng cho âm nhạc dân gian hay giao hưởng thính phòng. Hiện tại chưa có hạng mục riêng nhưng giải âm nhạc này không phải không có chỗ dành cho những loại hình âm nhạc kể trên, vấn đề là những hoạt động của nó đã đáp ứng được đời sống âm nhạc đại chúng thực sự chưa. Tôi cho rằng chữ “đời sống” rất quan trọng trong cả cụm từ này. Theo đó, các sản phẩm phải có đời sống và phải đáp ứng được nhu câu của đại chúng. Album của Tân Nhàn năm nay đã là một hướng gợi mở đưa âm nhạc dân gian nói riêng và các loại hình âm nhạc kén người nghe có cơ hội bước vào giải âm nhạc Cống hiến.
PV: Vâng xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị!
PV: Thanh Hường
(Ghi rõ nguồn Musicshow.vn khi sử dụng bài viết này)

Liveshow Dạ khúc cho tình nhân 2
Rooftop
Hair Of Dog
Minishow Tuấn Hưng
Đêm nhạc Phó Đức Phương
Lich swing thang 10
Fuse Bar Time To Way
IBars Combo
THứ 5 hàng tuần tại IBar
The Rooftop thứ 2 hàng tuần